HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC

cong-chung-hop-dong-chuyen-nhuong-quyen-su-dung-dat
Công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo tính pháp lý, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia giao dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về việc công chứng/ chứng thực. Vậy việc công chứng/ chứng thực có bắt buộc phải thực hiện hay không? Cơ quan có thẩm quyền công chứng/ chứng thực? Và hồ sơ cần chuẩn bị khi công chứng/ chứng thực là gì? Hãy cùng đội ngũ Luật sư đất đai tìm hiểu thông qua bài viết sau đây.

1. Có bắt buộc công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

– Căn cứ quy định điểm a khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai năm 2024:

“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;”

Như vậy, về mặt hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.

Luật sư đất đai tư vấn thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất

2. Cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

– Căn cứ Điều 42 Luật Công chứng năm 2014:

“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

Chiếu theo quy định nêu trên khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các bên phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành nơi có nhà đất.

– Căn cứ khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:

“Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà.”

Chiếu theo quy định nêu trên thẩm quyền chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Nên lựa chọn công chứng hay chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

Luật Đất đai quy định các bên có thể lựa chọn công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc công chứng hay chứng thực hợp đồng chuyển nhượng có giá trị như nhau khi sang tên sổ đỏ nhưng không đồng nghĩa với việc có giá trị như nhau khi xảy ra tranh chấp. Để các bên trong hợp đồng hiểu rõ hơn về việc công chứng/chứng thực, Luật sư đất đai xin lưu ý một số điểm dưới đây:

– Công chứng: là việc công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng bằng văn bản, do đó sẽ đảm bảo về mặt nội dung của hợp đồng chuyển nhượng. Khi phát sinh tranh chấp, hợp đồng đã được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được công chứng không cần phải chứng minh.

– Chứng thực hợp đồng: là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng. Do đó, khi phát sinh tranh chấp dẫn đến khởi kiện tại Tòa án, hợp đồng được chứng thực không có giá trị chứng cứ chứng minh về mặt nội dung, các bên trong hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng.

3. Hồ sơ cần chuẩn bị khi công chứng/ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?

3.1. Đối với trường hợp công chứng Hợp đồng chuyển nhượng

Thành phần hồ sơ cần có để thực hiện việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ bao gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng: thường sẽ điền theo mẫu của tổ chức công chứng.

– Dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Trong trường hợp các bên chỉ mới thoả thuận miệng hoặc trao đổi thông qua tin nhắn mà chưa soạn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì có thể yêu cầu công chứng viên của văn phòng công chứng/ phòng công chứng soạn thảo hoặc liên hệ với Luật sư giỏi Bình Phước để được hỗ trợ soạn thảo.

– Và các loại giấy tờ khác mà bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải chuẩn bị bao gồm:

  • Bên chuyển nhượng cần chuẩn bị: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Bản sao giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân); Hợp đồng ủy quyền (nếu được ủy quyền để thực hiện việc chuyển nhượng).
  • Bên nhận chuyển nhượng cần chuẩn bị: Bản sao giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu); Sổ hộ khẩu; Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân).

3.2. Đối với trường hợp chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Người yêu cầu chứng thực nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau:

– Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Trong trường hợp chưa có Hợp đồng chuyển nhượng có thể liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ soạn thảo.

– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (có kèm bản chính để đối chiếu).

– Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có kèm bản chính để đối chiếu).

Hi vọng bài viết trên của Luật sư đất đai sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng về việc công chứng, chứng thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết của Công ty Luật Phong Gia.


Đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua các thách thức pháp lý để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy đăng ký tư vấn pháp luật miễn phí tại website: Luật sư Khánh hoặc liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT PHONG GIA

Địa chỉ trụ sở: Số 29 đường số 55, phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Chi nhánh: Chợ Bù Nho, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Số điện thoại: 0989 794 794

Facebook: https://www.facebook.com/pl.congdong

Email: duykhanh.phonggiagroup@gmail.com

Lưu ý: Nội dung tư vấn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng thời điểm mà quy định của pháp luật có sự thay đổi dẫn đến tư vấn trên không còn phù hợp. Chính vì vậy, Quý Khách hàng có góp ý hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *