LẬP VI BẰNG

Thực tế, các giao dịch trong đời sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn và tranh chấp. Để hạn chế thiệt hại và bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể thì vi bằng trở thành lựa chọn hàng đầu. Vi bằng đóng vai trò là chứng cứ pháp lý trước tòa khi xảy ra tranh chấp, tạo sự minh bạch, giảm thiểu khả năng phát sinh xung đột giữa các bên. Vậy làm thế nào để hiểu rõ về vi bằng, các vấn đề liên quan đến việc lập vi bằng? Hãy cùng Công ty Luật Phong Gia tìm hiểu các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này.

lap-vi-bang
Giá trị pháp lý của vi bằng

1. Lập vi bằng là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản ghi nhận những sự kiện và hành vi có thật mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Theo đó, vi bằng được lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức nhằm mục đích đảm bảo tính xác thực và pháp lý của các sự kiện đã xảy ra theo quy định của Nghị định.

2. Lập vi bằng ở đâu?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 17 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 08/01/2020 có quy định về Văn phòng thừa phát lại, theo đó văn phòng này là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Dựa trên quy định này thì thừa phát lại sẽ là người lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định. Do đó, việc lập vi bằng sẽ diễn ra ở Văn phòng thừa phát lại. ​​

3. Thủ tục và giá trị pháp lý của vi bằng

Vi bằng là một công cụ pháp lý quan trọng, được sử dụng để ghi nhận và xác nhận các sự kiện, hành vi trong các giao dịch. Thủ tục lập vi bằng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp và giá trị chứng cứ trong các tranh chấp pháp lý.

3.1. Thủ tục lập vi bằng

Trình tự, thủ tục việc lập vi bằng sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Tiếp nhận đơn yêu cầu lập vi bằng

– Yêu cầu về hồ sơ lập vi bằng
Tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 thì người yêu cầu lập vi bằng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến việc này và phải đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của những tài liệu đã cung cấp.

– Xác định thẩm quyền và phạm vi lập vi bằng của Thừa phát lại
Theo đó thừa phát lại sẽ kiểm tra tính hợp pháp của đơn yêu cầu này. Cụ thể  tại Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, Thừa phát lại có quyền lập vi bằng để ghi nhận các sự kiện và hành vi thực tế theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có những trường hợp không được phép lập vi bằng, cụ thể về điều này được quy định tại Điều 37 Nghị định trên.

Bước 2: Thỏa thuận về việc lập vi bằng
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, người yêu cầu lập vi bằng cần phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về các nội dung sau:

– Nội dung cụ thể của vi bằng cần lập;

– Địa điểm và thời điểm thực hiện việc lập vi bằng;

– Chi phí liên quan đến việc lập vi bằng cùng các thỏa thuận khác (nếu có).

Việc thỏa thuận làm vi bằng sẽ được lập thành 02 bản, người có yêu cầu sẽ giữ 01 bản, văn phòng thừa phát lại sẽ giữ 01 bản.

Bước 3: Tiến hành lập vi bằng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 , Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng tham gia chứng kiến quá trình lập vi bằng. Thừa phát lại có trách nhiệm trực tiếp chứng kiến và lập vi bằng, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước người yêu cầu cũng như trước pháp luật về vi bằng mà mình thực hiện. Việc ghi nhận các sự kiện và hành vi trong vi bằng cần phải được thực hiện một cách khách quan và trung thực.

Ngoài ra, Điều 40 Nghị định này cũng có quy định về hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng, bao gồm các thông tin như sau:

  • Tên và địa chỉ của Văn phòng Thừa phát lại, cùng với họ và tên của Thừa phát lại;
  • Địa điểm, thời gian cụ thể (giờ, ngày, tháng, năm) của việc lập vi bằng;
  • Thông tin về những người tham gia khác (nếu có);
  • Họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu;
  • Nội dung chi tiết của sự kiện, hành vi được ghi nhận;
  • Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;
  • Chữ ký của Thừa phát lại cùng với dấu của Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia và chứng kiến (nếu có), và có thể bao gồm chữ ký của những người có hành vi được lập vi bằng;

Lưu ý những nội dung như sau: Nếu vi bằng có từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự. Đối với vi bằng có từ 02 tờ trở lên, cần đóng dấu giáp lai giữa các tờ. Số lượng bản chính của mỗi vi bằng sẽ được các bên thỏa thuận với nhau. Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Bước 4: Thanh lý thỏa thuận lập vi bằng

Trước khi bàn giao vi bằng, Thừa phát lại sẽ yêu cầu khách hàng ký vào biên bản bàn giao vi bằng và thanh lý thỏa thuận lập vi bằng. Sau đó, Thừa phát lại sẽ trao cho khách hàng bản chính của vi bằng.

Bước 5: Đăng ký và lưu trữ vi bằng

  • Về việc đăng ký vi bằng: Theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 và Điều 30 Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/08/2020, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi hoàn tất việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện một bộ vi bằng kèm theo tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi văn phòng đặt trụ sở. Sở Tư pháp có trách nhiệm vào sổ đăng ký vi bằng trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ. Vi bằng chỉ được coi là hợp lệ khi đã được đăng ký tại Sở Tư pháp.
  • Về việc lưu trữ vi bằng: Theo khoản 3 Điều 39 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, vi bằng sẽ được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ, tương tự như với các văn bản công chứng. Chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng được quy định tại Điều 64 Luật Công chứng năm 2014.
Thủ tục lập vi bằng

3.2. Giá trị pháp lý của vi bằng

Theo như quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020, thì giá trị pháp lý của vi bằng được thể hiện như sau:

– Vi bằng không thể thay thế các loại văn bản công chứng, văn bản chứng thực hay các văn bản hành chính khác;

– Vi bằng đóng vai trò là nguồn chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính, theo quy định của pháp luật;

– Vi bằng là cơ sở pháp lý để thực hiện các giao dịch giữa cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Như vậy, vi bằng không chỉ có giá trị trong việc ghi nhận các sự kiện, hành vi mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên. Việc sử dụng vi bằng trong các giao dịch sẽ tạo sự minh bạch và tin cậy, đồng thời giảm thiểu rủi ro tranh chấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ dân sự.

4. Lập vi bằng có ý nghĩa gì?

Hiện nay, việc lập vi bằng đang trở thành lựa chọn phổ biến nhờ vào giá trị pháp lý mà nó mang lại. Vi bằng giúp ghi nhận các sự kiện, hành vi hoặc thỏa thuận giữa các bên một cách hợp pháp. Thay vì phải chờ đợi đến khi xảy ra tranh chấp và trải qua các thủ tục khởi kiện phức tạp, các bên có thể lập vi bằng ngay tại thời điểm giao dịch. Theo đó, vi bằng hợp pháp sẽ được Tòa án công nhận như một chứng cứ mà không cần thực hiện thêm bất kỳ bước nào khác, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài ra, vi bằng còn giúp cho các bên bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Việc lập vi bằng sẽ cung cấp một bản ghi nhận chính xác về nội dung giao dịch, từ đó giảm thiểu rủi ro tranh chấp trong tương lai. Nếu có bất kỳ sự không đồng thuận nào xảy ra, lúc này vi bằng sẽ là căn cứ xác đáng để chứng minh các thỏa thuận đã được thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp.

Trên đây là những thông tin quan trọng về việc lập vi bằng. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy trình hoặc cần hỗ trợ về vấn đề lập vi bằng, hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên bên dưới bài viết.


Đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua các thách thức pháp lý để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy đăng ký tư vấn pháp luật miễn phí tại website: Luật sư Khánh hoặc liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT PHONG GIA

Địa chỉ trụ sở: Số 29 đường số 55, phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Facebook: https://www.facebook.com/LuatsuoTpHCM

Email: duykhanh.phonggiagroup@gmail.com

Lưu ý: Nội dung tư vấn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng thời điểm mà quy định của pháp luật có sự thay đổi dẫn đến tư vấn trên không còn phù hợp. Chính vì vậy, Quý Khách hàng có góp ý hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *