HỒ SƠ LY HÔN

Ly hôn là một quyết định quan trọng trong một cuộc hôn nhân và cần phải tuân thủ quy trình pháp lý cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Đây là một vấn đề không chỉ liên quan đến quan hệ vợ chồng mà còn có tác động sâu rộng đến tài sản, con cái và nhiều yếu tố khác. Việc hiểu rõ các bước chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục ly hôn sẽ giúp vợ, chồng tránh được những sai sót và đảm bảo quá trình này diễn ra suôn sẻ. Hãy cùng Công ty Luật Phong Gia tìm hiểu chi tiết về nội dung này qua bài viết sau đây.

ho-so-ly-hon
Hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn

1. Ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo như quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. 

Căn cứ nội dung Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đối tượng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm: 

  • Vợ, chồng hoặc cả bên vợ chồng đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn;
  • Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn trong trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc các mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần.

Bên cạnh đó, luật còn có quy định người chồng sẽ không có quyền được yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ của họ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều này nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ, tạo điều kiện cho họ có thời gian ổn định tâm lý để chăm sóc con cái mà không bị xáo trộn cuộc sống bởi các tranh chấp hôn nhân.

Theo đó, quyền yêu cầu ly hôn có thể chia ra làm hai trường hợp:

  • Ly hôn thuận tình: Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận việc ly hôn và cả hai bên đã tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng và chăm sóc con cái dựa trên cơ sở đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho vợ và con.
  • Ly hôn đơn phương: Ly hôn theo yêu cầu của một bên, khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một phía là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân đó. 

Như vậy, ngoài vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền này khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Đồng thời họ là nạn nhân của bạo lực gia đình do chính hành vi của chồng, vợ mình gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

2. Điều kiện để được công nhận ly hôn

  • Đối với trường hợp thuận tình ly hôn 

Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện thuận tình ly hôn như sau:

  • Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
  • Hai bên đã có sự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái trên cơ sở ưu tiên bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Nếu đáp ứng được đầy đủ những điều kiện nêu trên thì vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

  • Đối với trường hợp đơn phương ly hôn

Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện đơn phương ly hôn như sau:

  • Khi vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;
  • Khi có một người vi phạm nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, việc chung không thể kéo dài;
  • Vợ/chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;
  • Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây nên.

Theo đó, nếu vợ, chồng thuộc một trong các điều kiện trên thì người còn lại sẽ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền thực hiện việc đơn phương ly hôn mà không cần sự đồng ý của người còn lại.

luat-su-hon-nhan-va-gia-dinh
Luật sư hôn nhân và gia đình

3. Hồ sơ và trình tự các bước nộp hồ sơ tiến hành thủ tục ly hôn 

Việc hiểu rõ hồ sơ và trình tự các bước nộp hồ sơ ly hôn sẽ giúp cả hai bên tiết kiệm thời gian và tránh được các rắc rối không đáng có trong quá trình pháp lý. Dưới đây là các thông tin cần thiết để thực hiện thủ tục này một cách hiệu quả.

3.1. Hồ sơ ly hôn bao gồm những gì?

  • Trường hợp thuận tình ly hôn, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
  • Đơn ly hôn thuận tình;
  • Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, yêu cầu giấy phải còn nguyên vẹn, không được tẩy xóa hoặc làm rách;
  • Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của vợ và chồng (01 bản);
  • Bản sao có chứng thực giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/Hộ chiếu của hai vợ chồng (01 bản);
  • Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con;
  • Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh tài sản chung của cả hai như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất, giấy đăng ký xe….(bản sao);
  • Các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp đơn phương ly hôn, hồ sơ bao gồm:
  • Đơn ly hôn đơn phương: Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);
  • Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của hai vợ chồng ( 01 bản);
  • Bản sao có chứng thực giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/Hộ chiếu của hai vợ chồng (01 bản);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực);
  • Các tài liệu, giấy tờ khác chứng minh tài sản chung của vợ chồng như bản sao Sổ đỏ, đăng ký xe, sổ tiết kiệm…

3.2. Trình tự các bước nộp hồ sơ tiến hành thủ tục ly hôn

Bước 1: Nộp hồ sơ 

  • Với cả hai trường hợp thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn, đều nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án cấp huyện. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 28, Điểm a Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà bị đơn cư trú, làm việc. 
  • Trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì nộp hồ sơ tại Tòa án cấp tỉnh. Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Bộ luật trên thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ/chồng có hộ khẩu thường trú, tạm trú.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ 

  • Nếu hồ sơ đã đầy đủ: Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ việc ly hôn tới người nộp hồ sơ và yêu cầu nộp án phí.
  • Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ: Cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ sẽ ra thông báo cho người nộp hồ sơ và hướng dẫn họ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định.

Bước 3: Hoàn thành nghĩa vụ tài chính

Người nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn cần phải hoàn tất nghĩa vụ án phí ly hôn tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện. Đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài thì cần nộp án phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp tỉnh. Lưu ý cần giữ lại biên lai nộp tiền để nộp lại cho Tòa án.

  • Đối với ly hôn thuận tình: án phí sẽ chia đôi cả hai bên vợ, chồng;
  • Đối với ly hôn đơn phương: người nộp đơn ly hôn đơn phương sẽ có nghĩa vụ đóng án phí.

Bước 4: Tòa án tiến hành thủ tục hòa giải ly hôn 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án sẽ yêu cầu các bên ra Tòa để tiến hành việc hòa giải công khai. Trong phần này, các bên sẽ tường trình lại toàn bộ sự việc theo hướng dẫn của thư ký tòa án, thẩm phán sẽ giải thích cho các bên những vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục ly hôn, đồng thời khuyến nghị các bên cần suy nghĩ kĩ về quyết định ly hôn.

  • Nếu hoà giải thành theo hướng hàn gắn quan hệ vợ chồng: Rút đơn ly hôn và Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.
  • Nếu hoà giải thành theo hướng thuận tình ly hồn: Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
  • Nếu hòa giải không thành: Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 5: Mở phiên Tòa giải quyết yêu cầu ly hôn 

  • Thuận tình ly hôn: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải thành và một trong các bên không có thay đổi gì về việc ly hôn, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên.
  • Đơn phương ly hôn: Sau thời hạn trên, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

Theo đó, thời hạn để xét xử ly hôn sẽ kéo dài từ 04 – 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án tùy vào tính chất, nội dung vụ việc.

luat su gioi o tai tp hcm la doi ngu luat su uy tin chuyen tu van phap luat mien phi

4. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn 

  • Quyền và nghĩa vụ chung của cha mẹ

Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn cha mẹ sẽ có quyền và nghĩa vụ như sau:

  • Quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định pháp luật;
  • Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không tự thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ dựa trên quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
  • Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ các trường hợp người mẹ đó không có đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.
  • Quyền và nghĩa vụ đối với người không trực tiếp nuôi con

Theo như quy định tại Điều 82 Luật trên thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau:

  • Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi;
  • Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, về điều này được hướng dẫn chi tiết bởi Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024;
  • Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở;
  • Trong trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con mà lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Vừa rồi là những quy định pháp luật về hồ sơ và thủ tục ly hôn được chúng tôi tìm hiểu và tổng hợp. Nếu như có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi nào khác liên quan đến vấn đề trên, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua thông tin bên dưới bài viết.


Đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua các thách thức pháp lý để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy đăng ký tư vấn pháp luật miễn phí tại website: Luật sư Khánh hoặc liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT PHONG GIA

Địa chỉ trụ sở: Số 29 đường số 55, phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Facebook: https://www.facebook.com/LuatsuoTpHCM

Email: duykhanh.phonggiagroup@gmail.com

Lưu ý: Nội dung tư vấn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng thời điểm mà quy định của pháp luật có sự thay đổi dẫn đến tư vấn trên không còn phù hợp. Chính vì vậy, Quý Khách hàng có góp ý hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *