Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những người có quyền thừa kế trực tiếp từ người để lại di sản, thường là vợ, chồng, con cái và cha mẹ của người chết. Vậy khi nào di sản được chia theo pháp luật? Việc chia di sản theo pháp luật được thực hiện như thế nào? Phần của mỗi người trong cùng hàng thừa kế và khác hàng thừa kế được pháp luật quy định ra sao? Và hàng thừa kế thứ nhất có quyền hưởng thừa kế khác gì so với các hàng thừa kế còn lại. Hãy cùng Công ty Luật Phong Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm những ai?
Hàng thừa kế được xác định trong trường hợp việc thừa kế được tiến hành theo pháp luật mà không thông qua di chúc hoặc không có di chúc do người chết để lại. Căn cứ khoản 1, Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 các hàng thừa kế được quy định như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
– Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
– Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất sẽ bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Đây là những người được cho là có mối quan hệ thân thích và gần gũi nhất với người để lại di sản nên họ là người được ưu tiên nhận di sản hơn so với các hàng thừa kế còn lại.
2. Hàng thừa kế thứ nhất chết thì ai là người được hưởng di sản thừa kế?
Trường hợp 1: Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống vào thời điểm mở thừa kế và chết trước thời điểm phân chia di sản.
Tại Điều 613 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về người thừa kế, khi người thừa kế là cá nhân thì phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế; hoặc được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế của người để lại di sản nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết đi.
Mặt khác, Điều 611 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về thời điểm thừa kế như sau: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Tòa án xác định là ngày chết của người bị tuyên bố đã chết (khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự năm 2015).
Như vậy, theo như các quy định vừa nêu trên có thể hiểu rằng, khi người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất chết sau người để lại di sản và chết trước thời điểm phân chia di sản thì họ vẫn có quyền được hưởng di sản (trừ trường hợp người này từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản). Khi đó, phần di sản mà họ được hưởng sẽ được giải quyết tương tự như tài sản do họ tạo lập khi còn sống, và sẽ chuyển thành di sản để phân chia di sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 2: Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất chết trước người để lại di sản.
Trong trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì họ không được xem xét khi phân chia di sản.
Trong trường hợp những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là con của người để lại di sản mà chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng từ người để lại di sản nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015).

3. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng di sản theo quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật Dân sự 2015, những người trong cùng một hàng thừa kế, nếu như còn sống, đủ điều kiện được hưởng di sản thì sẽ được chia di sản bằng nhau, nghĩa là mỗi người sẽ nhận được một phần bằng nhau trong tổng giá trị di sản. Điều này đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc phân chia di sản giữa các thành viên trong cùng một hàng thừa kế.
Tuy nhiên, đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ hai và thứ ba, quyền hưởng di sản của họ chỉ phát sinh khi không còn ai ở hàng thừa kế trước đó. Cụ thể, nếu như những người trong hàng thừa kế thứ nhất đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng, hoặc đã từ chối nhận di sản, thì những người ở hàng thừa kế thứ hai mới có quyền được thừa kế. Điều này được áp dụng tương tự cho các hàng thừa kế tiếp theo. Quy định này nhằm duy trì trật tự ưu tiên trong việc phân chia di sản, bảo vệ quyền lợi của những người gần gũi nhất với người để lại di sản.
4. Trường hợp nào việc thừa kế được xác định theo hàng thừa kế?
Việc chia thừa kế được chia theo 2 cách: theo di chúc và theo pháp luật. Trong đó, việc chia di sản thừa kế theo hàng thừa kế sẽ chỉ diễn ra khi quan hệ chia thừa kế được tiến hành theo pháp luật, về nội dung này đã được pháp luật quy định tại Điều 650 của Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm các trường hợp như sau:
– Không có di chúc;
– Di chúc được coi là không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
– Áp dụng chia thừa kế theo pháp luật đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc và phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng người này lại không có quyền được hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
Như vậy, nếu vấn đề bạn đang tìm hiểu thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ áp dụng chia thừa kế theo pháp luật, mà việc chia thừa kế này sẽ được xác định theo hàng thừa kế.
Hy vọng bài viết vừa rồi của chúng tôi đã giải đáp được những thắc mắc của các bạn về việc chia di sản khi “Hàng thừa kế thứ nhất chết”. Nếu cần tư vấn các vấn đề liên quan đến thừa kế, bạn có thể liên hệ với đội ngũ Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ.
Đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua các thách thức pháp lý để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy đăng ký tư vấn pháp luật miễn phí tại website: Luật sư Khánh hoặc liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT PHONG GIA
Địa chỉ trụ sở: Số 29 đường số 55, phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
Facebook: https://www.facebook.com/LuatsuoTpHCM
Email: duykhanh.phonggiagroup@gmail.com
Lưu ý: Nội dung tư vấn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng thời điểm mà quy định của pháp luật có sự thay đổi dẫn đến tư vấn trên không còn phù hợp. Chính vì vậy, Quý Khách hàng có góp ý hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!