Phí công chứng khi mua bán nhà đất là khoản chi phí cần thiết để chi trả cho việc thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản. Việc nắm rõ mức phí này cũng như trình tự, thủ tục của việc công chứng hợp đồng sẽ giúp các bên tham gia giao dịch chuẩn bị tài chính hợp lý và tránh các rắc rối trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hãy cùng Luật Phong Gia tìm hiểu những nội dung sau đây.

1. Phí công chứng mua bán nhà đất là gì?
Theo quy định tại Điều 56 của Luật Công chứng năm 2014, phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất được hiểu là khoản tiền mà các bên tham gia giao dịch mua bán nhà đất cần phải thanh toán khi yêu cầu văn phòng công chứng thực hiện các thủ tục liên quan. Cụ thể, thủ tục này không chỉ bao gồm việc công chứng hợp đồng mua bán đất mà còn có các dịch vụ khác như lưu giữ di chúc và cấp bản sao của các văn bản cần công chứng…
Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì phí công chứng mua bán nhà đất (hay còn gọi là phí công chứng nhà đất) là khoản chi mà các cá nhân hoặc tổ chức phải trả khi họ muốn công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, thủ tục này được thực hiện tại văn phòng công chứng nhằm mục đích chứng thực tính hợp pháp của các hợp đồng, văn bản liên quan đến giao dịch.
2. Hồ sơ và thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất
Hồ sơ và thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất là một phần quan trọng trong giao dịch bất động sản, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia và đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch. Việc thực hiện công chứng giúp xác nhận tính chính xác, hợp pháp của hợp đồng, tránh tranh chấp và rủi ro pháp lý sau này.
2.1. Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán nhà đất
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014 để thực hiện việc công chứng các hợp đồng mua bán nhà đất, cả hai bên mua và bán cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ được kê khai dưới đây.
Đối với người bán, bao gồm:
- Giấy chứng nhận (Sổ đỏ);
- Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/ Hộ chiếu (của cả vợ và chồng);
- Giấy xác nhận cư trú;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn/giấy xác nhận độc thân);
- Hợp đồng ủy quyền (nếu bán thay người khác);
- Các loại giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mua bán nhà đất (nếu có).
Đối với người mua, bao gồm:
- Giấy tờ tùy thân: CMND/CCCD/Hộ chiếu;
- Giấy xác nhận cư trú;
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân.
Ngoài ra cần chuẩn bị phiếu yêu cầu công chứng (phiếu này thường do bên mua điền theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng). Nếu các bên soạn trước hợp đồng mua bán nhà đất thì mang theo.
2.2. Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà đất
Bước 1. Tiếp nhận yêu cầu công chứng
Thực hiện việc kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ công chứng:
- Nếu hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì thông báo, yêu cầu bổ sung thêm.
Bước 2. Thực hiện công chứng
- Trường hợp các bên soạn trước hợp đồng
Lúc này, công chứng viên sẽ tiến hành việc kiểm tra dự thảo hợp đồng và xử lý theo trình tự các bước như sau:
- Nếu đáp ứng được yêu cầu thì chuyển sang bước tiếp theo.
- Nếu thực hiện không đúng với yêu cầu hoặc nội dung hợp đồng có vi phạm thì yêu cầu sửa đổi hoặc từ chối công chứng.
- Trường hợp các bên chưa soạn thảo hợp đồng trước, công chứng viên sẽ soạn thảo theo yêu cầu người công chứng
- Người yêu cầu công chứng (cả hai bên mua bán) kiểm tra lại toàn bộ hợp đồng, nếu đồng ý thì xác nhận vào đó;
- Người yêu cầu công chứng sẽ ký vào từng trang của hợp đồng (việc này phải được thực hiện trước mặt công chứng viên);
- Các bên xuất trình bản chính các giấy tờ có trong hồ sơ đã chuẩn bị để tiến hành đối chiếu;
- Thực hiện việc ghi lời chứng, ký và đóng dấu.
Bước 3. Hoàn tất nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả
Theo quy định Luật Công chứng thì thời gian nhận kết quả sẽ là không quá 02 ngày làm việc đối với các trường hợp thông thường. Riêng đối với các hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp hơn thì thời hạn công chứng có thể kéo dài nhưng cũng không được quá 10 ngày làm việc.

3. Ai phải nộp phí công chứng khi mua bán nhà đất?
Căn cứ theo quy định được nêu tại khoản 1 Điều 66 của Luật Công chứng 2014 và khoản 1 Điều 2 Thông tư 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 thì người yêu cầu (cá nhân, tổ chức) công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng cần phải nộp phí công chứng.
Theo như nội dung của quy định này thì người nộp phí công chứng mua bán nhà đất chính là người yêu cầu công chứng, có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Những người này sẽ ghi các thông tin, ký, ghi rõ họ và tên trong phiếu yêu cầu công chứng.
Tuy nhiên, pháp luật cũng không cấm các bên thỏa thuận với nhau về người nộp phí công chứng. Hay nói một cách khác, các bên chuyển nhượng được phép thỏa thuận về việc bên nào là bên nộp khoản phí này. Trường hợp nếu như không có thoả thuận thì người nộp sẽ mặc nhiên là người yêu cầu công chứng.
4. Phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định về các mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng phí công chứng thì mức thu phí công chứng mua bán nhà đất sẽ được tính dựa trên giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, cụ thể như sau:
- Giá trị hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì mức thu phí công chứng sẽ là 50.000 đồng;
- Giá trị hợp đồng từ 50 triệu đồng – 100 triệu đồng thì mức thu phí công chứng sẽ là 100.000 đồng;
- Giá trị hợp đồng từ trên 100 triệu đồng – 1 tỷ đồng thì mức thu phí công chứng là 0,1% nhân với giá trị của hợp đồng chuyển nhượng;
- Giá trị của hợp đồng từ trên 1 tỷ đồng – 3 tỷ đồng thì mức thu phí công chứng sẽ là 1.000.000 đồng cộng 0,06% nhân với giá trị của hợp đồng chuyển nhượng vượt quá 1 tỷ đồng;
- Giá trị hợp đồng từ trên 3 tỷ đồng – 5 tỷ đồng thì mức thu phí công chứng sẽ là 2.200.000 đồng cộng thêm 0,05% nhân với giá trị hợp đồng chuyển nhượng vượt quá 3 tỷ đồng đó;
- Giá trị hợp đồng từ trên 10 tỷ đồng – 100 tỷ đồng thì mức thu phí công chứng sẽ là 5.200.000 đồng cộng 0,03% nhân với giá trị hợp đồng chuyển nhượng vượt quá 10 tỷ đồng;
- Giá trị của hợp đồng trên 100 tỷ đồng thì mức thu phí công chứng sẽ được xác định là 32.200.000 đồng cộng 0,02% nhân với giá trị của hợp đồng chuyển nhượng vượt quá 100 tỷ đồng, nhưng mức thu phí tối đa sẽ là 70 triệu đồng.
Bên cạnh đó cần lưu ý đối với các trường hợp giá đất, giá tài sản do các bên thỏa thuận với nhau thấp hơn so với mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định áp dụng tại thời điểm công chứng thì giá trị tính phí công chứng tính sẽ được tính như sau:
Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng = Diện tích đất, số lượng tài sản ghi trong hợp đồng (x) Giá đất, giá tài sản do cơ quan nhà nước quy định.
Trên đây là những nội dung pháp luật liên quan đến “Phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất” đã được chúng tôi tìm hiểu và tổng hợp. Để biết thêm thông tin chi tiết cũng như giải đáp các vướng mắc cá nhân, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Phong Gia theo thông tin bên dưới bài viết.
Đội ngũ Luật sư giỏi của chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, giúp bạn vượt qua các thách thức pháp lý để đạt được kết quả tốt nhất. Hãy đăng ký tư vấn pháp luật miễn phí tại website: Luật sư Khánh hoặc liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT PHONG GIA
Địa chỉ trụ sở: Số 29 đường số 55, phường Thảo Điền, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
Facebook: https://www.facebook.com/LuatsuoTpHCM
Email: duykhanh.phonggiagroup@gmail.com
Lưu ý: Nội dung tư vấn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng thời điểm mà quy định của pháp luật có sự thay đổi dẫn đến tư vấn trên không còn phù hợp. Chính vì vậy, Quý Khách hàng có góp ý hoặc cần tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi. Chân thành cảm ơn!